NÉT ĐẸP MÙA VU LAN BÁO HIẾU
Lễ Vu lan có lịch sử lâu đời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và theo đó, đạo hiếu như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước và đã thấm sâu vào cuộc sống của người Việt Nam, rất phong phú. Vì thế, thật diệu dụng như nước hòa tan trong sữa, ngày Lễ Vu lan từ xưa đến nay đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp, góp phần làm sáng đạo lý của dân tộc Việt Nam. Một lẽ giản đơn, ai sinh ra cũng có cội nguồn. Cha mẹ kính yêu cho ta hình hài và quê hương, đất nước nuôi dưỡng ta tâm hồn mang bóng hình xứ sở. Bởi vậy, cùng với nghĩa tri ân công lao, sự hy sinh sánh ngang biển trời của cha mẹ, mỗi người con của dân tộc cúi đầu bày tỏ lòng tri ân với đất mẹ Việt Nam. Hạnh hiếu đền ơn đẹp nhất là ân cha mẹ hòa với trọng ân cùng Xã tắc Giang sơn yêu quý. Vào dịp này, chúng ta cũng thể hiện ân tình với chúng sinh vạn vật đã luôn thân thiện ở bên ta, giúp cho ta cuộc sống hằng ngày hạnh phúc. Lễ Vu lan là một trong những hoạt động văn hoá truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, để cầu siêu cho các chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn; cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình,… thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và vì thế được nhiều người tham gia.
Cũng vào dịp này, theo truyền thống của người Việt thì ngày Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng lễ nên được gọi là “ngày xá tội vong nhân”. Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, lễ xá tội vong nhân là để cầu cho những vong linh không hoặc chưa được thờ cúng ở một gia đình nào. Giá trị nhân văn của lễ này được thể hiện ở sự thương cảm sâu sắc với các vong linh chết ở nơi đất khách quê người, nơi chiến trận, những kẻ thấp hèn,… mà người thân chưa tìm được, v.v... Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu ở Việt Nam mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc và nhiều khi hai lễ này thường được hòa vào làm một. Mục đích đều thể hiện sự nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le khác nhau mà không được thờ cúng.
Ai cũng biết rằng cha mẹ đã gian lao vất vả vì hạnh phúc, an lạc của con cái. Công đức của cha mẹ lớn lao không sao kể xiết, cho nên con cái báo hiếu cha mẹ thì phải biết nghe lời cha mẹ; anh em đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; không làm việc gì trái với pháp luật và ảnh hưởng đến gia phong; không làm việc ác, năng làm việc thiện; tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức để nên người làm cho ông bà, cha mẹ yên tâm, phấn khởi. Nếu làm được những điều lành thì Tâm sẽ chân thành, thiện khí ngưng tụ; thực hành hạnh hiếu thì trời đất cảm thông, Phật Thánh phù hộ. Đó là Phúc, phúc do Tâm tạo, tâm là Phật, Phật tại tâm. Vì vậy mà phải luôn luôn làm điều thiện, tu phúc để báo hiếu cha mẹ và để lại cho con cháu mai sau. Hầu như ai cũng hiểu công ơn sinh thành dưỡng dục thật sâu nặng nhưng không ít người chưa thấy hết được ân đức cao dày của cha mẹ. Từ xưa tới nay, cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con vô bờ bến bởi:“Hùm dữ không ăn thịt con”. Cha mẹ luôn mong muốn cho con nên người nhưng gặp phải những người con bất hiếu, ngỗ nghịch, cha mẹ cũng phải cam chịu cảnh bất hạnh, ngay cả trong những ngày chiều tà xế bong dưới mái nhà đơn sơ hiu quạnh. Với ân sâu nghĩa nặng, tình thâm của cha mẹ mà Ca dao Việt Nam đã thể hiện nét đẹp về đạo đức mang truyền thống văn hóa dân tộc kết tụ mấy nghìn năm lịch sử. Đại thi hào Nguyễn Du đã đề cao chữ hiếu và xem đó là trách nhiệm hàng đầu của phận làm con: Duyên hội ngộ đức cù lao/Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn/Để lời thệ hải minh sơn/Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Nguyễn Đình Chiểu, một sĩ phu yêu nước, thương dân cũng rất đề cao tinh thần hiếu hạnh được thể hiện trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” khi trên đường đi thi trạng nguyên, nghe tin mẹ mất, Lục Vân Tiên đã quay về chịu tang cho mẹ và khóc đến mù cả mắt.
Lễ Vu lan là một hình thức biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh Phật giáo, có ý nghĩa giáo dục to lớn trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi xã hội loài người đang phải đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức. Lễ Vu lan là một liệu pháp tinh thần chữa trị căn bệnh đó trong bối cảnh đời sống đô thị hiện đại mà con người chạy theo những cám dỗ vật chất bên ngoài, lao vào những tham vọng cá nhân: háo tiền tài, hám danh vọng, ham sắc dục, v.v... rồi sự toan tính dẫn đến “stress” và đưa con người vào vòng tội lỗi, xa lánh cha mẹ, gia đình. Có thể có người chưa hiểu đúng ý nghĩa lễ Vu lan nên trong những năm gần đây, còn không ít những việc làm không đúng với thuần phong mỹ tục, như việc đốt vàng mã ngày càng nhiều hơn. Không ít người đua nhau sắm các loại hàng mã như: ô tô, xe máy, nhà lầu, ti vi,... thậm chí có người sắm cả máy bay, tàu thủy, máy tính xách tay, thẻ ATM,… để rồi đốt đi gửi xuống cho người thân ở “thế giới bên kia” với suy nghĩ “trần sao âm vậy” hay phải sắm thật nhiều thì ở cõi âm ông bà, cha mẹ, tổ tiên… mới phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra,.. để “âm có siêu thì dương mới khánh và dương có khánh thì âm mới siêu”. Theo phong tục, việc đốt vàng mã không chỉ nhân ngày lễ Vu lan mà cả vào những lễ tết, giỗ chạp,… là một tập quán lâu đời của người Việt Nam nhưng chỉ có ý nghĩa tượng trưng như con cháu thường thắp nén nhang, đốt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở “thế giới bên kia”. Nhưng ngày nay, việc đốt vàng mã quá nhiều đã trở nên quá tốn kém và gây lãng phí, ô nhiễm môi trường…
Trong quá trình hình thành và tồn tại, bên cạnh những hạn chế như đã nói ở trên thì Lễ Vu lan đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng yêu nước, tính cộng đồng... Yêu nước là giá trị đạo đức hàng đầu trong hệ thống đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giá trị đạo đức trong lễ Vu lan có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Việc nhớ về cội nguồn, niềm tin vào tổ tiên và sợ hãi tội "trời tru đất triệt", "luật nhân quả" hay "nghiệp báo" đối với những việc làm xấu, hướng con người làm việc thiện, ngăn chặn điều ác. Từ xa xưa và trải qua thực tế cuộc sống, người Việt Nam thấy được những nét tích cực phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc, đáng trân trọng giữ gìn; gạn lọc được tinh hoa và biết cái gì là mê tín dị đoan, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống để bỏ đi.
Có thể khẳng định rằng, Vu lan Báo hiếu luôn là nét đẹp văn hoá của dân tộc và đã trở thành trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con; một nét đẹp trong văn hoá ứng xử góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và dân tộc; trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức con người,… dù xã hội có văn minh phát triển đến đâu thì nét đẹp báo hiếu luôn được đề cao và mãi trường tồn. Vì thế, các thế hệ phải sống cho xứng đáng để đền đáp nghĩa tình sâu nặng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng như của những người đã quên mình vì đất nước, vì dân tộc đem lại hoà bình, hạnh phúc, cuộc sống ấm no cho chúng ta. Để thể hiện tấm lòng của mình không chỉ đến ngày lễ Vu lan mới thực hiện mà phải bằng việc làm thành tâm của con cái trong cuộc sống thường nhật và điều quan trọng là luôn nhớ tới tổ tiên, cha mẹ với sự thành tâm của mỗi người. Người giữ đạo hiếu với cha mẹ không thể đợi đến khi cha mẹ không còn nữa mới tìm cơ hội vái vọng đáp đền. Từng giây phút sống, hãy hiếu thuận và kính trọng cha mẹ như vị Phật sống của đời mình, đó mới là đạo hạnh tốt lành. Không ai muốn mất cha mẹ, nhưng cuộc đời là vô thường. Vì thế, ngay khi cha mẹ còn sống, nên biết trân trọng từng ngày, còn cha mẹ để được chăm sóc là hạnh phúc, may mắn của đời người. Sự biết ơn và tôn kính chân thành đối với cha mẹ là những điểm xuất phát của lòng hiếu thảo. Biết ơn cha mẹ vì ta có ở trên thế gian này là do cha mẹ, nhờ cha mẹ mà trưởng thành vì cha mẹ là nơi nương tựa vững chắc bình an nhất. Khi có con rồi mới thấm thía được sự hy sinh của cha mẹ đối với mình, nhất là lúc còn thơ ấu. Bởi thế, nếu ai đó đã có phúc duyên báo hiếu cho cha mẹ rồi thì càng nên cố tạo nhiều cơ duyên hơn nữa để báo hiếu cho cha mẹ mình vui lòng. Trong gia đình cần phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già; sống hướng thiện, làm việc tốt để rạng danh ông bà, cha mẹ; tưởng nhớ công ơn của tổ tiên; cầu an lạc cho cha mẹ hiện còn... Đối với đất nước cần góp phần vào các hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật và tham gia các lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của chính chúng ta ngày nay.
Hoa hồng hai màu trắng đỏ, màu trắng biểu tượng mất mẹ mất cha và màu đỏ còn cha còn mẹ. Biểu tượng đó gợi nhớ ân sinh thành dưỡng dục của hai đấng cao sơn. Với những ai, mẹ cha đã khuất núi về với cảnh giới vô thường, hãy thành tâm dành một bông hồng chở đầy phúc báu dâng lên Tam bảo làm nghĩa cử hồi hướng cho cha mẹ. Với tâm thành và tỉnh giác, với niềm tin tinh tấn và chuyên cần, với hạnh trong lành và thanh sạch, mỗi người con sẽ làm nơi nương tựa tâm linh cho các bậc sinh thành của mình tìm về nương tựa Tam bảo. Gieo duyên nơi cửa Phật cho cha mẹ mình bằng tuệ giác. Đó là con đường báo hiếu chân chính của những người con muốn giúp mẹ cha vượt thoát nẻo sinh tử luân hồi, tìm về tỉnh giác, an vui.
Hòa trong tâm thành hướng về mùa Vu Lan Báo hiếu, xin chắp tay dành tặng những bông hoa đạo hiếu đẹp nhất tri ân đến tất cả những người mẹ trong cuộc đời, chúc cho cha mẹ sống mãi với chúng con, tiếp tục dạy chúng con nên nguời và hãnh diện khi mỗi mùa Vu Lan về vẫn còn đựoc cài lên áo hoa hồng đỏ. Những ai còn đầy đủ cha mẹ hãy trân trọng những giây phút thiêng liêng này khi còn được hưởng niềm vui bên cha mẹ…. đừng để hối hận vì không sống trọn đạo làm con, trọn đạo làm nguời./.
..................................St: Đặng Tài Tính